0908 160 264

Bền vững mô hình khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Nhớ lại, vào đầu 1990, sau khi công cuộc “Đổi mới” được khởi động, TP.HCM bắt đầu chính thức tiến vào giai đoạn đô thị hoá theo chiều rộng, khi ấy cả thành phố (nhìn rộng ra là cả nước) là một công trường xây dựng vĩ đại.

Kiến tạo không gian sống

Mô hình duy nhất và phổ biến của bất động sản khi ấy là phân lô bán nền. Sau chiến tranh, người dân ở các thành phố đều chỉ mong ước có được một chỗ “an cư” cho mình và gia đình, để đáp ứng nhu cầu cấp bách đó các nhà đầu tư lớn nhỏ đều cố gắng kiếm một miếng đất từ vài ha đến vài chục ha, rồi đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường, điện, nước và sau đó chia nhỏ ra thành từng miếng bán cho chủ nhà muốn xây sao cũng được.

Trong bối cảnh cả nước đang sôi động phân lô bán nền thì ở Nam Sài Gòn, việc Phú Mỹ Hưng ra đời một mô hình hoàn toàn mới chưa có trong tiền lệ lịch sử phát triển đô thị nước nhà.

Đó là việc kiến tạo không gian sống hoàn thiện. Điều này có nghĩa là mỗi hộ gia đình không chỉ có một căn hộ hay một ngôi nhà qua đêm mà còn có một không gian đa chức năng rộng lớn hơn lồng ghép vào nhau bao gồm môi trường tự nhiên; không gian cộng đồng thân thiện nhân văn; không gian xã hội an ninh, an toàn; không gian dịch vụ tiện ích, đầy đủ; không gian văn hoá – nghệ thuật; không gian y tế – giáo dục – thể thao, không gian sống văn minh – trật tự và không gian vui chơi – giải trí…

Cộng đồng  có thể thoả mãn hầu hết các nhu cầu sống của mình trong một môi trường sống có chất lượng cao vào loại nhất nhì cả nước. Do vậy mà năm 2008, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam.

Phát triển bền vững

Một vấn đề rất quan trọng là làm sao giữ được không gian sống chất lượng cao ấy một cách lâu dài, bền vững không chỉ vài năm mà là hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Đó là bài toán rất khó, bởi tạo ra một mô hình là khó nhưng nuôi dưỡng được nó và phát triển sao cho năm sau tốt hơn năm trước là khó hơn gấp vạn lần.

Thực tế những năm qua cho thấy nhiều khu dân cư lúc mới hình thành và mở bán thì rất xanh, đẹp, văn minh và được coi là “đáng sống”, nhưng chỉ 5-7 năm sau bắt đầu thấy dấu hiệu của sự xuống cấp.

Đầu tiên là quy hoạch không gian bị phá vỡ bởi trật tự xây dựng không còn giữ được như thiết kế trước đó. Ban đầu là xuất hiện các công trình xây chèn, móc lõm, lấn chiếm không gian chung dưới mặt đất và trên cao khiến cho tổng mặt bằng trở nên lộn xộn, cảnh quan môi trường trở nên thô kệch, cây xanh héo úa, nhiều bãi rác, nước thải xuất hiện đây đó, hiện tượng mất an ninh trật tự, trộm cắp xuất hiện…

Cho đến nay, sau 28 năm Phú Mỹ Hưng vẫn là khu đô thị kiểu mẫu, là nơi “đáng sống”, là nơi lựa chọn của rất nhiều người nước ngoài (gần 40% trong số khoảng 36.000 cư dân là nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia nước ngoài).

Diện tích cây xanh vẫn luôn đảm bảo ở mức bình quân 8,9m2/người, mục tiêu “rác không chạm đất” và kiến tạo “không gian sống hoàn thiện, thân thiện, và nhân văn” vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục.

Các công trình mới như chung cư, cao ốc văn phòng vẫn được xây dựng mới nhưng không xung đột nhau mà tất cả diễn ra trong một trật tự, hài hoà có tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất theo bản qui hoạch đầu tiên mà SOM (Skidmore, Owings & Merrill) thiết kế.

Vậy là đã 28 năm kể từ khi một đô thị sầm uất mọc lên trên một vùng đất hoang vu, đầy cỏ lác, muỗi mòng và nước phèn chua mặn. Dự án Phú Mỹ Hưng (Giàu – Đẹp – Thịnh Vượng) ở phía Nam TP. HCM được coi là mô hình đầu tiên ra đời kiến tạo nên một “không gian sống chất lượng” ở Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.